Các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động

Hình 1. Người lao động trong ca sản xuất

Lao động là một bộ phận quan trọng trong sự phát triển của cả đất nước. Đây là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và đời sống tinh thần cho xã hội.  Chất lượng, năng suất lao động là một yếu tố phản ánh sự phát triển của đất nước, gia đình, xã hội và chính bản thân người lao động.
Vì vậy, đời sống của người lao động luôn được quan tâm. Sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động cần được đề cao. Lao động hoạt động trong rất nhiều ngành nghề, mỗi ngành nghề đó dù ít dù nhiều cũng tồn tại những mối nguy mà người lao động phải đối mặt, làm cho người lao động có thể bị tai nạn hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế được tai nạn lao động đến mức thấp nhất.
Để đảm bảo ổn định việc sản xuất, quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho người lao động, cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc trong An toàn, vệ sinh lao động.

– Đề cao tiêu chí “Phòng còn hơn chống”. Nghiên cứu và nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, tuân thủ đúng các hướng dẫn về an toàn khi làm việc với máy móc và dụng cụ.

Các mối nguy hiểm trong khi làm việc ở công trình có thể là: ngã từ trên cao; tai nạn cơ giới, máy móc, dụng cụ; điện giật; dẫm phải vật nhọn; bị các vật từ trên cao rơi xuống. Ngoài ra còn có các nguy cơ về sức khoẻ khi tiếp xúc với hoá chất dung môi, amiang, nấm mốc, tiếng ồn, khói bụi và các hoạt động chân tay.
Vì vậy nơi làm việc phải: gọn gàng, thoáng đãng; đi lại dễ dàng, không bị hạn chế tầm nhìn; không để nguyên vật liệu, dụng cụ ở trên cao hoặc nơi dễ rơi, đổ; nguồn điện, dây dẫn điện phải được đặt ở nơi cao ráo; có lối thoát hiểm, phương tiện chữa cháy đầy đủ.

– Sử dụng trang bị, dụng cụ bảo hộ cá nhân trong mọi công việc

Hình 1. Phương tiện bảo vệ cá nhân

Quần áo bảo hộ: bảo vệ bạn khỏi tác động của môi trường như nắng gió, tia cực tím, hoá chất đôi khi cả lửa và những chấn thương nhẹ quần áo có phủ chất phản quang để dễ nhìn thấy bạn trong môi trường làm việc bị hạn chế tầm nhìn.
Mũ bảo hộ: bảo vệ đầu của bạn không bị chấn thương do các vật rơi từ trên cao xuống, nắng, mưa, bụi…
Giầy bảo hộ: thường có đế dầy (có lá thép mỏng ở giữa), mũi cứng để bảo vệ chân bạn khỏi các vật nhọn khi giẫm phải hay các vật nặng rơi vào chân bạn. Khi làm việc ở những nơi trơn trượt thì nên dùng loại giầy có đế chống trượt.
Ngoài ra còn có giầy chống nước, chống cháy, chống hoá chất.
Giày có đế và mũi bọc sắt: tránh dẫm đinh và bị vật nặng rơi vào chân.
Ủng cao su: dùng trong môi trường ướt và hoá chất (đổ bê tông), hoặc chống giật điện.
Găng tay bảo hộ: bảo vệ đôi tay bạn khỏi những chấn thương và trong một số trường hợp làm tăng khả năng nắm giữ.
Kính bảo hộ: bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi những dị vật, bụi khói…
Dây đai an toàn: bảo vệ bạn khi làm việc ở trên cao hoặc các vị trí nguy hiểm có khả năng rơi ngã.

– Tuân thủ các quy tắc an toàn khi sử dụng điện và các dụng cụ điện. Kiểm tra chất lượng của dụng cụ và máy móc mà mình sẽ sử dụng trước khi làm việc:

Điện luôn là một yếu tố nguy hiểm khi làm việc, gây giật điện, cháy, nổ vì thế phải thật cẩn thận khi sử dụng:
– Hạn chế nguồn điện và vật dẫn điện ở nơi làm việc
– Giữ cho nơi làm việc luôn gọn gàng khô ráo
– Sử dụng giày và găng tay cách điện nếu cần
– Các dụng cụ, máy móc chạy điện cần được bảo quản ở trạng thái làm việc tốt
– Khi sử dụng luôn phải tuân thủ tốt các hướng dẫn về an toàn của nhà sản xuất.
– Rút dụng cụ khỏi nguồn điện, cho dù chỉ tạm thời không sử dụng trong thời gian ngắn
Các dụng cụ và máy móc cầm tay luôn có các quy tắc và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Trước khi sử dụng, các bạn nên tìm hiểu kỹ cách dùng và các quy tắc an toàn của chúng.
Kiểm tra tình trạng của dụng cụ, máy móc xem còn tốt không? có an toàn không? Độ chắc chắn,hở điện, sứt mẻ, nứt gãy, long tróc…
Tình trạng cũ mòn của dụng cụ máy móc cũng là một yếu tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn và năng suất làm việc. Vì vậy nên thay mới nếu cần thiết.

– Tất cả NLĐ đều có quyền

NLĐ cũng như NSDLĐ và chính phủ phải bảo đảm rằng những quyền này được bảo vệ và phải nỗ lực thiết lập cũng như duy trì môi trường và điều kiện làm việc lành mạnh. Cụ thể như sau:

+ Công việc cần được diễn ra trong môi trường làm việc an toàn và lành mạnh;

+ Các điều kiện lao động phải gắn liền với chất lượng cuộc sống và nhân phẩm;

+ Công việc phải đem lại những triển vọng thực sự đối với thành tựu cá nhân, giúp hoàn thành tâm nguyện và phục vụ cho xã hội.

– Xây dựng các chính sách về ATVSLĐ

 Những chính sách này phải được triển khai ở cả cấp quốc gia (Chính phủ) và cấp doanh nghiệp, đồng thời phải được kết nối cũng như truyền đạt một cách có hiệu quả với tất cả các bên liên quan.

– Hệ thống quốc gia về ATVSLĐ phải được thiết lập

Hệ thống này phải bao gồm tất cả các cơ chế và nội hàm cần thiết để xây dựng và duy trì một nền văn hóa phòng ngừa an toàn và sức khỏe. Hệ thống quốc gia phải được duy trì, từng bước phát triển và định kỳ kiểm tra rà soát.

– Chương trình quốc gia về ATVSLĐ phải được xây dựng chi tiết

 Khi đã xây dựng xong, chương trình này phải được triển khai, kiểm tra, đánh giá và định kỳ rà soát.

– Đối tác xã hội là NSDLĐ và NLĐ và các bên liên quan phải được tham vấn

 Việc làm này phải được tiến hành trong suốt quá trình xây dựng chi tiết, triển khai thực hiện, rà soát tất cả các chính sách, hệ thống và chương trình.

– Các chương trình và chính sách về ATVSLĐ phải hướng vào hai mục tiêu là phòng ngừa và bảo vệ

Mọi nỗ lực cần được tập trung vào công tác phòng ngừa ban đầu tại cấp cơ sở. Nơi làm việc và môi trường làm việc phải được lên kế hoạch và thiết kế sao cho an toàn và lành mạnh.

– Hoạt động không ngừng cải thiện công tác ATVSLĐ phải được đẩy mạnh

Việc làm này là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo các luật, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia phòng ngừa chấn thương, bệnh tật và tử vong nghề nghiệp phải được định kỳ điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, kỹ thuật và khoa học cũng như những thay đổi trong thế giới việc làm. Điều này sẽ đạt được thông qua việc mở rộng và thực hiện chính sách, hệ thống và chương trình quốc gia.

– Thông tin đóng vai trò sống còn trong việc mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình và chính sách

Việc thu thập và tuyên truyền chính xác thông tin liên quan đến các nguy cơ và vật liệu tiềm ẩn nguy cơ, giám sát nơi làm việc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách và áp dụng bài học thực tiễn, cùng với các hoạt động liên quan khác đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và thực thi các chính sách có hiệu quả.

– Tăng cường sức khỏe là nội dung trọng tâm của hoạt động thực hành sức khỏe nghề nghiệp

Cần hết sức nỗ lực để cải thiện trạng thái hưng thịnh về thể chất, tinh thần và xã hội của người lao động.

– Các dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp bao quát tất cả các đối tượng lao động cần được thiết lập

Tốt nhất là tất cả các đối tượng NLĐ tham gia vào hoạt động kinh tế cần được tiếp cận với các dịch vụ này nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho NLĐ cũng như cải thiện điều kiện làm việc.

– Công tác bồi thường, phục hồi và các dịch vụ chữa bệnh

Phải sẵn sàng phục vụ NLĐ gặp chấn thương, tai nạn hay bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp. Nên có những hành động cụ thể để giảm thiểu những hậu quả của các nguy cơ nghề nghiệp.

– Đào tạo và tập huấn

NLĐ và NSDLĐ phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng quy trình làm việc an toàn và phương thức thực hiện. Cán bộ tập huấn phải được đào tạo về các lĩnh vực liên quan đối với từng ngành sản xuất riêng biệt, do đó họ có thể giải quyết được các vấn đề đặc thù về ATVSLĐ.

– NLĐ, NSDLĐ và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ cụ thể

NLĐ phải tuân thủ các quy trình an toàn đã đề ra; NSDLĐ phải cung cấp nơi làm việc an toàn và đảm bảo tốt công tác sơ cứu khi xảy ra sự cố; các cơ quan có thẩm quyền phải lập kế hoạch, trao đổi thông tin và định kỳ rà soát cũng như cập nhật các chính sách về ATVSLĐ.

– Các chính sách phải được thực thi

Một hệ thống thanh tra phải được tổ chức nhằm đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp ATVSLĐ và pháp lệnh về lao động.

Chia sẻ:
Loading Facebook Comments ...

Trả lời


Partner