Các yếu tố có hại trong lao động

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 định nghĩa: “Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động”. Các yếu tố có hại bao gồm:

  1. Vi khí hậu xấu

    – Vi khí hậu là trạng thái lý học của không khí trong khoảng không gian thu hẹp của nơi làm việc bao gồm các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt và tốc độ vận chuyển của không khí. Các yếu tố này phải đảm bảo ở giới hạn nhất định, phù hợp với sinh lý của con người.
    – Nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn cho phép làm suy nhược cơ thể, làm tê liệt sự vận động, do đó làm tăng mức độ nguy hiểm khi sử dụng máy móc thiết bị… Nhiệt độ quá cao sẽ gây bệnh thần kinh, tim mạch, bệnh ngoài da, say nóng, say nắng, đục nhãn mắt nghề nghiệp. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây ra các bệnh về hô hấp, bệnh thấp khớp, khô niêm mạc, cảm lạnh…
    – Độ ẩm cao có thể dẫn đến tăng độ dẫn điện của vật cách điện, tăng nguy cơ nổ do bụi khí, cơ thể khó bài tiết qua mồ hôi.
    – Các yếu tố tốc độ gió, bức xạ nhiệt nếu cao hoặc thấp hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép đều ảnh h­ưởng đến sức khoẻ, gây bệnh tật và giảm khả năng lao động của con người.

  2. Tiếng ồn

    Tiếng ồn là âm thanh gây khó chịu cho con người, phát sinh do sự chuyển động của các chi tiết hoặc bộ phận của máy do va chạm.
    Làm việc trong điều kiện có tiếng ồn dễ gây các bệnh nghề nghiệp như điếc, viêm thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác hoặc làm giảm khả năng tập trung trong lao động sản xuất, giảm khả năng nhạy bén. Người mệt mỏi, cáu gắt, buồn ngủ. Tiếp xúc với tiếng ồn lâu sẽ bị giảm thính lực, điếc nghề nghiệp hoặc bệnh thần kinh, dễ dẫn đến tai nạn lao động.

  3. Rung

    – Rung từng bộ phận có ảnh hưởng  cục bộ xuất hiện ở tay, ngón tay khi làm việc với cưa máy, búa máy, máy đánh bóng. Rung gây ra chứng bợt tay, mất cảm giác, ngoài ra gây thương tổn huyết quản, thần kinh, khớp xương, cơ bắp, xúc giác và lan rộng, thâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn nội tiết.
    – Rung toàn thân thường xảy ra đối với những người làm việc trên phương tiện giao thông, máy hơi nước, máy nghiền… Chấn động làm co hệ thống huyết mạch, tăng huyết áp và nhịp đập tim. Tuỳ theo đặc tính chấn động tạo ra thay đổi ở từng vùng, từng bộ phận trên cơ thể người.

  4. Bức xạ và phóng xạ

    Nguồn bức xạ:
    – Mặt trời phát ra bức xạ hồng ngoại, tử ngoại.
    – Hồ quang, hàn cắt kim loại, nắn đúc thép phát ra bức xạ tử ngoại.
    Người ta có thể bị say nắng, giảm thị lực (do bức xạ hồng ngoại), đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực, bỏng (do bức xạ tử ngoại) và dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
    Phóng xạ:
    Là dạng đặc biệt của bức xạ.Tia phóng xạ phát ra do sự biến đổi bên trong hạt nhân nguyên tử của một số nguyên tố và khả năng i-on hoá vật chất. Những nguyên tố đó gọi là nguyên tố phóng xạ.
    Các tia phóng xạ gây tác hại đến cơ thể người lao động dưới dạng: gây nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính; rối loạn chức năng của thần kinh trung ương, nơi phóng xạ chiếu vào bị bỏng hoặc rộp đỏ, cơ quan tạo máu bị tổn thương gây thiếu máu, vô sinh, ung thư, tử vong.

  5. Chiếu sáng không hợp lý (chói quá hoặc tối quá)

    Chiếu sáng không đảm bảo làm tăng phế phẩm, giảm năng suất lao động, dễ gây ra tai nạn lao động. Chiếu sáng thích hợp sẽ bảo vệ thị lực, chống mệt mỏi, tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đồng thời tăng năng suất lao động.

  6. Bụi

    Bụi là tập hợp của nhiều hạt có kích thư­ớc nhỏ bé tồn tại trong không khí; nguy hiểm nhất là bụi có kích thước từ 0,5 – 5 micrômét; khi hít phải loại bụi này sẽ có 70 – 80% lượng bụi đi vào phổi và làm tổn thư­ơng phổi hoặc gây bệnh bụi phổi.
    – Bụi hữu cơ: nguồn gốc từ động vật, thực vật.
    – Bụi nhân tạo: nhựa, cao su…
    – Bụi kim loại: sắt, đồng…
    – Bụi vô cơ: silic, amiăng…
    Mức độ nguy hiểm, có hại của bụi phụ thuộc vào tính chất lý học, hóa học của bụi. Bụi có thể gây cháy hoặc nổ ở nơi có điều kiện thích hợp; làm giảm khả năng cách điện của bộ phận cách điện, gây chập mạch; gây mài mòn thiết bị trư­ớc thời hạn; làm tổn th­ương cơ quan hô hấp xây sát, viêm kinh niên, tuỳ theo loại bụi có thể dẫn đến viêm phổi, ung thư phổi; gây bệnh ngoài da; gây tổn thương mắt.
    Bệnh bụi phổi phổ biến hiện nay bao gồm:
    + Bệnh bụi phổi silíc (Silicose) là do bụi silic, hiện nay ở nước ta có tỷ lệ rất cao chiếm khoảng 87% bệnh nghề nghiệp.
    + Bệnh bụi phổi Amiăng (Asbestose) do bụi Amiăng.
    + Bệnh bụi phổi than (Antracose) do bụi than.
    + Bệnh bụi phổi sắt (Siderose) do bụi sắt.

  7. Các hóa chất độc

    – Hóa chất ngày càng được dùng nhiều trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản như: Asen, Crụm, Benzen, rư­ợu, các khí bụi, các dung dịch axít, bazơ, kiềm, muối, các phế liệu, phế thải khó phân hủy.  Hóa chất độc có thể ở trong trạng thái rắn, lỏng, khí, bụi… tùy theo điều kiện nhiệt độ và áp suất.
    – Hóa chất độc có thể gây ảnh hưởng tới người lao động dưới dạng nhiễm độc cấp tính, nhiễm độc mãn tính. Hoá chất độc thường được phân loại thành các nhóm sau:
    + Nhóm 1: Chất gây bỏng kích thích da như­ Axít đặc, Kiềm…
    + Nhóm 2: Chất kích thích đường hô hấp  như  Clo, amoniac, SO3…
    + Nhóm 3: Chất gây ngạt nh­ư các oxit các bon (CO2, CO), metan (CH4)…
    + Nhóm 4: Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương như H2S (mùi trứng thối), xăng…
    + Nhóm 5: Chất gây độc cho hệ thống cơ thể như  hyđrôcacbon các loại (gây độc cho nhiều cơ quan), benzen, phênol,asen…
    Khi tiếp xúc với hóa chất độc, người lao động có thể bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc qua da. Trong đó, theo đường hô hấp là nguy hiểm nhất và chiếm tới 95% trường hợp nhiễm độc. Chất độc thâm nhập vào cơ thể và tham gia vào quá trình sinh hoá có thể đổi thành chất không độc, nhưng cũng có thể biến thành chất độc hơn. Một số chất độc xâm nhập vào cơ thể và tích tụ lại. Chất độc cũng có thể được thải ra khỏi cơ thể qua da, hơi thở, nước tiểu, mồ hôi, qua sữa… tùy theo tính chất của mỗi loại hóa chất.

  8. Các yếu tố vi sinh vật có hại

    Một số nghề người lao động phải tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng, côn trùng, nấm mốc như các nghề: chăn nuôi, chế biến thực phẩm, người làm vệ sinh đô thị, người làm lâm nghiệp, nông nghiệp, người phục vụ tại các bệnh viện, khu điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng, các nghĩa trang…

  9. Tâm sinh lý lao động và ecgonomi

    Do yêu cầu của công nghệ và tổ chức lao động mà người lao động có thể phải lao động ở cường độ lao động quá mức theo ca, kíp, tư thế làm việc gò bó trong thời gian dài, ngửa người, vẹo người, treo người trên cao, mang vác nặng, động tác lao động đơn điệu, buồn tẻ hoặc với phải tập trung chú ý cao gây căng thẳng về thần kinh tâm lý. Điều kiện lao động trên gây nên những hạn chế cho hoạt động bình thường, gây trì trệ phát triển, gây hiện tượng tâm lý mệt mỏi, chán nản dẫn tới những biến đổi ức chế thần kinh, gây bệnh tâm lý mệt mỏi, uể oải, suy nhược thần kinh, đau mỏi cơ xương, có khi dẫn đến tai nạn lao động.

Chia sẻ:
Loading Facebook Comments ...

Trả lời


Partner